Chào mừng bạn đến với ca đoàn Cecilia Kẻ Sặt!

Hát thế nào cho tốt? Tôi không biết hát.

HÁT THẾ NÀO CHO TỐT? 

Thánh Âu tinh viết : “Qui bene cantat bis orat” Ai hát tốt là cầu nguyện gấp đôi. Người ta thường nói làm tốt, nghĩ tốt, nói tốt, chơi tốt mà ít nghe ai nói hát tốt, vì chữ tốt là tính từ thường theo sau danh từ ; còn nếu là biến từ dùng như trạng từ thì xem ra chỉ thích hợp với một số động từ hạn chế thôi, như mới nói trên. Tuy ít nghe, ít nói, nhưng nghĩa của chữ tốt đi liền với chữ hát xem ra lại phong phú hơn dịch xuôi là hát hay, vì hát hay chưa chắc đã là hát tốt. Bởi vậy nội dung của chữ tốt bao gôm nhiều điều hơn chữ hay. Dưới đây, tôi xin mạo muội trình bày cái phong phú của chữ tốt sánh với chữ hay. 

Hát hay là hát nghe êm tai, ngọt ngào, lâm ly, cảm động hay oai nghiêm hùng tráng làm mê mẩn lòng người hay cảm hóa, thuyết phục. Cái hay của người hát nằm trong tiếng hát, cung giọng và sức cảm hóa của người hát. Phần đông ca sĩ là những người hát hay, nhưng chưa hẳn đã là hát tốt, vì họ có thể hát những bài tình ca ướt át, lãng mạn thật hay nhưng không tốt, vì nội dung của những bài hát đó không hướng người nghe về những gì lành mạnh, xứng đáng, xây dựng mà chỉ khơi sầu gợi thảm làm ủy mị lòng người. Cho nên hát tốt còn đòi hỏi nhiều hơn là hát hay tuy trong cái tốt vẫn phải có cái hay. Vậy hát tốt là hát đúng, hát hay là hát có sức cảm hóa. Người hát tốt là người hát hay, hát đúng cung giọng và rung cảm được lòng người đưa tới chân, thiện, mỹ. Hát như thế đòi phải mất nhiều công phu luyện tập và tinh thần chăm chú. 

Các ca sĩ chuyên nghiệp thường làm công việc này. Nhưng chúng ta, những người hát trong nhà thờ không phải là ca sĩ, càng không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Vậy làm thế nào để hát tốt, vì hát tốt là cầu nguyện gấp đôi. Tất nhiên, không đòi chúng ta phải mất nhiều công phu luyện tập như ca sĩ, nhưng ít ra chúng ta phải chấp nhận một số hy sinh, như nếu là ca viên thì năng đi tập tành đều đặn trong ca đoàn ; nếu là giáo dân thì chịu khó nghe tập hát ít phút trước giờ cử hành thánh lễ ngày Chúa Nhật, dưới sự điều khiển của một ca trưởng khá thông thạo. Ngoài ra là các bài hát phải được chọn lựa kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn của âm nhạc trong phụng vụ, nghĩa là lời ca có nội dung Kinh thánh, Phụng vu ; dòng nhạc chuyển âm liền bậc, không gay cấn, rùm beng, nhảy nhót loạn xạ và hát với tâm tình của những người cầu nguyện. Điều này khá đòi hỏi về phía người hát cũng như người tập hát. Nhưng có như vậy mới là cầu nguyện gấp đôi. Đó là cái giá phải trả để đạt được thành tích gấp đôi kia. Nói tóm lại, hát tốt đòi phải lưu tâm chú ý và đầu tư công sức về phía người tập cũng như người hát. Nếu cả hai bên đồng tình chấp nhận một thứ khổ chế nào đó trong việc tập tành ca hát, thì về lâu về dài mới mong đạt tới kết quả. 

TÔI KHÔNG BIẾT HÁT.    

Đó là câu nói thông thường của nhiều linh mục trong các họ đạo, khi có người đề cập đến chuyện ca hát trong nhà thờ. Từ chỗ không biết, người ta dễ đi đến chỗ không thích. Không biết hát và không thích hát thì tự nhiên ở nhà thờ, ca đoàn muốn hát gì thì hát, muốn hát thế nào cũng được. Đây thật là một sự dễ tính và còn hơn thế nữa, phải nói là một sự thả nổi. Đã là thả nổi thì vật nổi trôi - vấn đề ca hát - muốn bập bềnh trôi đâu tùy ý. Chính vì vậy mới có hiện tượng ca hát trong phần đông các nhà thờ của chúng ta hiện nay. 

Thử tưởng tượng nếu có người bên ngoài vào một nhà thờ nào đó của chúng ta như giáo sư Trần Văn Khê đã vào chùa Viên Giác để nghe tiếng tụng kinh của các tăng ni phật tử, người ấy sẽ nghĩ thế nào ? Trong bài Kiến tha lâu đầy tổ đăng trong Kiến thức ngày nay số 424, ra ngày 20.5.2002, trang 39, giáo sư Khê viết : 

“Tôi gặp thêm thày Thích Huệ Quang, một nhà sư trẻ tuổi biết về âm nhạc, nên có ý định đưa âm nhạc vào kinh kệ. Thầy cho tôi nghe một cuộn băng ghi âm thể nghiệm trong đó những bài tán tụng có cả nhạc khí hòa theo, khi thì đờn tranh, khi thì đờn nhị, đờn nguyệt... Việc làm này đã được các đại đức, thượng tọa hoan nghênh và khuyến khích thày nghiên cứu sâu hơn. Tôi có góp ý rằng việc đưa âm nhạc vào tiếng tán tiếng tụng mục đích là để làm cho mọi người dễ tập trung cũng như thích thú hơn khi đọc kinh. Nhưng nếu đưa vào không khéo thì sẽ làm sai lạc ý nghĩa của việc tụng kinh vì tán tụng không phải để nghe cho vui tai, cũng không phải để biểu diễn nghệ thuật mà là để tâm linh quán chiếu được ý nghĩa câu kinh, thấm nhuần được giáo lý. Do đó nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rả khiến cho người ta phân tâm, lo nghe tiếng nhạc hay mà quên đi ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai thì lại càng sai lầm hơn.” 
Những nhận xét và góp ý trên đây về cách tụng kinh ở nhà chùa làm cho tôi nghĩ đến cách hát và những bài hát trong các nhà thờ của chúng ta. Giáo sư Khê đã viết : “ Nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rả khiến cho người ta phân tâm lo nghe tiếng nhạc hay mà quên ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai, thì lại càng sai lầm hơn” (b.đ.d. trg 39) là có ý nói rằng tiếng nhạc không được lấn át tiếng tụng kinh. 

Vậy, nếu có những linh mục không biết hát hay không thích hát thì không phải vì thế mà có thể bỏ qua không săn sóc gì đến việc hát xướng. Đây là một bổn phận đòi buộc các linh mục quản xứ và các linh mục chủ tọa các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ như có viết trong Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma : "Việc sử dụng ca hát khi cử hành thánh lễ phải là điều quan trọng.” (số 40) Về điểm này Hiến chế Phụng vụ cũng nói : “Hành động phụng vụ mặc lấy một hình thức cao quí hơn, khi các việc phụng tự được cử hành long trọng trong tiếng hát, có các thừa tác viên thánh và dân chúng tích cực tham gia.” (số 113) 

Như vậy, đã rõ hát ờ nhà thờ trong thánh lễ là điều quan trọng, dù chủ tế có biết hát hoặc thích hát hay không. Vấn đề là đôn đốc và săn sóc đến việc ca hát. Tôi không biết hát hay không thích hát, nhưng tôi không thể bỏ qua không chỉ cách cho các ca trưởng chọn bài hát và tự tôi duyệt các bài hát xem có đúng với các phần đoạn trong thánh lễ theo từng thể loại, lời ca có gì sai lạc giáo lý hoặc không phù hợp với thánh ca hay không, vì đó là nhiệm vụ của tôi với tư cách là linh mục quản xứ hay chủ tế buổi lễ ngày hôm đó. Nếu tôi không biết điều này thì thật là đáng tiếc và phải nói là thiếu sót bổn phận nữa. Giả như không biết, tôi vẫn có thể hỏi và phải hỏi những người hiểu biết chỉ bảo cho. Chẳng vậy, công việc hát xướng ở nhà thờ sẽ là đất dụng võ cho ca trưởng, ca đoàn và điều đó đi ngược lại với đường lối và giáo huấn của Hội thánh. Có người sẽ cho như thế là đòi hỏi. Mà quả thật, hát xướng ờ nhà thờ là một công việc đòi hỏi vì liên quan đến vấn đề tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Hát là để làm công việc này. Vì thế, nếu hát chỉ để cho vui tai, cho sôi nổi, ồn ào như ở các tụ điểm ca nhạc thì không phải là cung cách hát của nhà thờ. Bởi vậy,từ cộng đoàn, ca đoàn cho đến linh mục quản xứ hay chủ tế phải hết sức lưu tâm đến công việc này để làm cho nhà thờ thành nơi ca hát những bài ca xứng đáng : đẹp về lời, hay về nhạc và hoàn chỉnh trong cách hát.
Lm. Đỗ Xuân Quế

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét