Chào mừng bạn đến với ca đoàn Cecilia Kẻ Sặt!

Hỏi đáp về Thánh nhạc_Phần 1: Có nên hát solo không? Alleluia hay Halleluia?....(Lm-Ns Mi Trầm)

1. Thánh nhạc là gì ?

Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ, số 4a định nghĩa: Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để dùng trong các cử hành phụng vụ, gồm tính thánh thiện và hình thức tốt đẹp.



Trước hết ta phải hiểu từ âm nhạc vừa chỉ nhạc có lời, vừa chỉ nhạc không lời.
Thứ đến, từ định nghĩa trên đây, ta thử nêu lên vài điểm chính yếu:
- Lời các bài thánh ca phải rút từ bản văn phụng vụ, trong đó, phần lớn trích từ Thánh Kinh.
- Ta phải chọn bài hát để hát đúng chỗ và hợp với từng nghi thức phụng vụ. Ví dụ: Không thể chọn bài hát kính Đức Mẹ để hát lúc dâng lễ.
- Các bài thánh ca phải hội đủ yếu tố thánh thiện và hình thức hoàn mỹ (nghệ thuật cả về lời lẫn nhạc).
*****
2. Có được phép hát solo trong nhà thờ không ?
Huấn thị về Âm nhạc trong phụng vụ, số 21 viết: Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn khiêm tốn, thì liệu phải có ít nhất 1 hoặc 2 ca viên được huấn luyện vừa đủ, ca viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa.

Ngoài ra, trong thánh lễ, ta được hát Solo khi bài hát có tính cách đối đáp: Một người hát câu xướng và cộng đoàn hát câu đáp. Ví dụ: Hát đáp ca (Xem Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma số 36).

Đôi khi, để thay đổi bầu khí trong cử hành phụng vụ, ta có thể hát Solo, nhưng chỉ nên hát câu phiên khúc mà thôi, còn câu điệp khúc thì ca đoàn hoặc giáo dân hát (Lưu ý: Không nên hát Solo nhiều quá, vì dễ làm mất đi tính cách cầu nguyện chung).
*****
3. Trong phụng vụ, ta nên dùng loại nhạc khí nào ?
a) Đối với Giáo Hội thì đàn organ (đàn ống) là nhạc cụ được ưa chuộng nhất. Nên phân biệt organ (đại quản cầm, đàn ống) với electrical organ (organ điện tử hay đàn điện tử) (xem thông cáo số 1-94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN). Ngày nay, đàn organ các nhà thờ thường dùng là organ điện tử.
Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc số 56, viết: Trong những nhạc cụ được sử dụng ở nhà thờ, rất xứng đáng đứng đầu là đại quản cầm (đàn ống) là vì nhạc cụ này thích hợp cho các bài hát và các nghi lễ thánh.
b) Ngày nay, Giáo Hội cũng cho phép đưa mọi nhạc khí vào nhà thờ, miễn sao trình tấu cách thích hợp và nghiêm túc.

Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc số 57, viết: Ngoài đại quản cầm ra (đàn ống) các nhạc cụ khác cũng có thể giúp thánh nhạc cách hữu hiệu đạt tới cứu cánh rất cao siêu, một khi nhạc cụ ấy không nhiễm mầu sắc phàm tục và không gào thét ồn ào, vì các điều này nghịch với bản tính của việc thờ phượng và phẩm cách của nơi thánh.

Tại Việt nam, ngày nay, trong các nhà thờ, người ta hay sử dụng đàn organ điện tử, vì thế ta nên dùng loại có foot-volume (điều chỉnh âm lượng bằng chân); những nút điệu chỉ nhằm dùng cho sinh hoạt đời, do đó không nên dùng trong phụng vụ; phải chọn lựa âm thanh thích hợp với thánh ca - Ví dụ: organ, violin. (Trích Thông cáo số 1 như trên)
*****
4. Lễ cưới tổ chức trong ngày Chúa nhật, bài hát phải chọn thế nào ?
Ngoại trừ những Chúa nhật, mà luật không cho phép cử hành lễ hôn phối, như trong Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục sinh, còn đối với những Chúa nhật khác thì ta phân ra hai trường hợp :
a) Nếu lễ cưới tổ chức trong ngày Chúa nhật, có giáo dân tham dự, và ý chỉ thánh lễ là của ngày Chúa nhật, thì bài hát phải hợp với các bài đọc phụng vụ ngày Chúa nhật.
b) Trường hợp thánh lễ do gia đình đôi tân hôn xin làm riêng (ngoài các thánh lễ qui định của ngày Chúa nhật) thì có thể chọn bài hát và bài đọc theo thánh lễ hôn phối.

Trong Lịch công giáo 1995, mục B, trang 8, có viết: Các Chúa nhật Mùa Giáng sinh và Thường niên: cử hành thánh lễ Chúa nhật, nhưng trong các bài sách thánh, có thể đọc một bài về hôn phối; nếu cử hành hôn phối trong thánh lễ không có cộng đồng giáo xứ tham dự, thì có thể cử hành toàn bộ thánh lễ hôn phối (CE 603 và OCM mới 1990, các số 34, 54 và 56).

*****
5. Những bài hát có ghi các điệu như Rumba, Slow... có được phép dùng trong thánh lễ không ?
Theo nguyên tắc, với những bài hát có ghi các điệu như Rumba, Slow... ta không được dùng trong thánh lễ. Trong Thông cáo số 1-94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN, có viết: Khi sử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitar, đàn trống, đàn kèn, dàn nhạc hoà tấu... không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ, vì các điệu này hầu hết đều có tính cách kích động, huyên náo... có thể thích hợp với các sinh hoạt khác, nhưng bất xứng với nơi thánh. Tiết tấu phải thích hợp với thánh nhạc nói chung và với từng loại hoạt động phụng vụ nói riêng. Ngay khi bày tỏ niềm vui thì phụng vụ cũng đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Nó không còn là niềm vui bộc phát trong đời thường nhưng bình dị hơn. Những bài hát bình ca và choral cho ta một mẫu mực về điểm này. Cũng vì thế mà Giáo Hội cấm sử dụng các điệu nhạc Jazz trong phụng vụ (Trích Thông cáo số 2-94 về việc chuẩn nhận các bài ca - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN)
Tuy nhiên, bài hát nào mà lại không có tiết điệu. Dù ta có ghi hay không ghi tiết điệu ở đầu bài thì bài hát tự nó đã có tiết điệu. Với tâm hồn đạo đức, ta mới có thể diễn tả bài hát cách đạo đức và mới hy vọng nâng hồn người hướng về Chúa.
*****
6. Nên dùng chữ Alleluia hay Halleluia ?
Halleluia là chữ Do thái. Còn Alleluia là từ đã Latinh hoá. Bản văn phụng vụ lấy từ bản Vulgata (viết bằng tiếng Latinh), do đó
- Trước hết ta dùng y nguyên theo bản Vulgata nghĩa là dùng chữ Alleluia
- Thứ đến, các nước như Ý, Anh, Mỹ, Pháp đều dùng chữ Alleluia.
- Trong Lasousse, chỉ có ghi Alleluia.
- Trong Tự điển Anh-Việt của trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia viện ngôn ngữ học ghi từ Alleluia, còn Halleluia thì để trong ngoặc.
Tuy nhiên, ta dùng Alleluia không phải vì các lý do nêu trên, nhưng lý do chính là vì HĐGM quyết định và đã được Tòa Thánh phê chuẩn.
Lưu ý về cách đọc : Ta đọc là Al-lê-lu-gia (gia theo giọng miền Nam)
Lưu ý khi sáng tác : Ta đừng chỉ viết là Al-lê mà thôi (vì Al-lê-lu mới có nghĩa là Hãy ngợi khen chứ Al-lê thì không có nghĩa chi cả)
*****
7. Có nên đưa đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà... vào nhà thờ không? Và đưa vào như thế nào ?
Ở một vài miền, nhất là ở các xứ truyền giáo, có những dân tộc sẵn có truyền thống âm nhạc riêng, nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ, tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức và dành cho nó một địa vị thích hợp
Do đó, rất nên dùng các nhạc cụ dân tộc trong nhà thờ, nhưng luôn dùng với tinh thần đứng đắn và nghiêm trang.
*****
8. Có thể hát bài kính Đức Mẹ lúc nhập lễ không ?
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ ngày 13.9.1958, phần kết luận số 5 viết:Thận trọng chọn các bài hát trong lễ cho phù hợp với ngày lễ và các phần đoạn trong lễ. Muốn thế, cần phải dành nhiều thời giờ để soạn. Mỗi ngày lễ đều có phần ca nhập lễ; do đó, bài hát nhập lễ phải hợp với lời của ca nhập lễ trong sách lễ Rô-ma theo ngày.
Chọn các bài hát trong các sách đã được giáo quyền chuẩn nhận để thay thế, như: bài cùng thánh vịnh với ca nhập lễ in trong sách lễ; bài phù hợp với mùa phụng vụ; bài hợp với ngày lễ... (Trích Thông cáo số 3.94 về thánh nhạc - Thông cáo của Ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN)
Như vậy trong ngày lễ Đức Mẹ, ta có thể chọn bài nhập lễ kính Đức Mẹ, ví dụ: hát bài Một điềm lạ vào lúc nhập lễ ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì rất thích hợp.
*****
9. Nhạc ghi âm có được dùng trong thánh lễ không ?
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ, chương III, mục D viết: Việc sử dụng các máy tự động, như đại quản cầm tự động, máy ghi âm, máy thu thanh, máy quay đĩa hát và các loại tương tự, không được phép dùng trong phụng vụ và các việc đạo đức, dù diễn ra ở ngoài hay ở trong nhà thờ, kể cả khi truyền lại những lễ nghi hay những bản đàn hát, hoặc những ca sĩ hát hay yểm trợ cho ca đoàn.
Và Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ, chương III, mục 4c đã trả lời rất rõ cho vấn nạn nêu trên: Cuối cùng, chỉ được dùng những nhạc khí mà nhạc sĩ tự mình diễn tấu, chứ không được dùng các nhạc khí điện tử tự động.
*****
10. Những mùa và những lúc nào không được chơi nhạc khí ? 
Theo Huấn thị về Thánh nhạc, chương III, 4e : Trừ khi chầu phép lành, còn trong các lễ nghi Phụng vụ, cấm không được đánh đàn trong những trường hợp sau đây :
a) Trong Mùa Vọng từ kinh chiều 1 Chúa nhật I Mùa Vọng đến lễ Vọng Giáng Sinh.
b) Trong Mùa Chay từ thứ tư lễ tro đến kinh Vinh danh đêm lễ Vọng Phục Sinh.
c) Khi cử hành lễ cho người đã qua đời.
Nhưng được phép đánh đàn và các nhạc khí khác :
a) Trong các ngày lễ trọng, lễ kính, lễ bổn mạng chính của một nước, một miền , một nơi, ngày lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, ngày lễ đấng sáng lập dòng tu hay một lễ đặc biệt nào ngoại lệ.
b) Trong Chúa nhật 3 Mùa Vọng, Chúa nhật 4 Mùa Chay, lễ chiều thứ 5 Tuần thánh.
c) Đệm hát trong lễ và kinh chiều
******
11. Có được dạo nhạc trong thánh lễ không ?
- Huấn thị về Thánh nhạc trong phụng vụ, số 61 viết : Các nhạc khí có thể rất hữu ích trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ hoặc đệm theo tiếng hát hoặc chơi riêng một mình.
Và số 64 : Có thể độc tấu nhạc trước khi Linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ nhưng không được độc tấu các nhạc khí đó trong Mùa Vọng và Mùa Chay, trong tuần Tam nhật Vượt Qua và trong giờ kinh lễ Cầu hồn (số 65).
*****

12. Làm thế nào để cổ võ việc hát cộng đoàn mà vẫn giữ được vai trò của ca đoàn?
Xin tạm đề nghị hai cách :
a) Cộng đoàn hát ĐK đơn giản, không có bè, còn ca đoàn hát PK có nhiều bè.
b) Lúc rước lễ, ta hát xen kẽ : cộng đoàn một bài và ca đoàn một bài. Cứ hát như thế cho đến hết rước lễ.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét