Chào mừng bạn đến với ca đoàn Cecilia Kẻ Sặt!

Hỏi đáp về Thánh nhạc_Phần 2: Có được phép đánh trống Jazz trong nhà thờ không ? Thần khí Chúa đã sai tôi đi ?...( Lm_Ns Mi Trầm)

13. Những bài hát chưa được chuẩn nhận để hát trong phụng vụ có được phép hát không ?
Trước đây, vì hoàn cảnh nên các bài hát dù chưa được chuẩn nhận vẫn có thể tạm dùng vào lúc đó.
Nhưng nay thì phải xin chuẩn nhận mới được phép hát.
a) Đối với các cung dành cho chủ tế và tá viên, cần sự chuẩn nhận của HĐGM (Thông Cáo 3/94, I, 1b)
b) Đối với Các bài hát khác như ca nhập lễ, ca dâng lễ, ca hiệp lễ, đáp ca, kể cả Bộ Lễ (kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính, Kinh Thánh thánh thánh, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa) chỉ cần được ĐGM giáo phận chuẩn nhận.

14. Cha sở có nên ủy lạo ca trưởng bằng hiện kim không ?
Huấn thị về Thánh nhạc, chương III, 5d viết : Rất ước mong và khuyến khích các nhạc công, ca trưởng, ca viên, nhạc sĩ và mọi người phục vụ nhà thờ thi hành những nhiệm vụ  vì lòng mến Chúa, không đòi thù lao trong tinh thần đạo đức sốt sắng. Nếu họ không thể làm không công được thì đức công bình và đức bác ái đòi các vị bề trên phải trả thù lao cân xứng cho họ, dựa vào các thói tục địa phương đã được phê chuẩn và luật đời ấn định.

15. Công Đồng Triđentinô cấm dùng trong nhà thờ những nhạc điệu uỷ mị, đi săn. Làm thế nào để nhận ra các loại nhạc ấy?
a) Nhạc uỷ mị: Với loại nhạc này, người ta hay dùng các nốt cách nhau nửa cung nghe lã lướt và trần tục. Ví dụ:

Giáo Hội cũng cấm dùng những quãng quá xa, ví dụ như quãng 6 (xem bài Love Story). Giáo Hội khuyến khích dùng những quãng liền bậc vì dồi dào hợp âm và thánh thiện. Trong Tự sắc Tra le sollicitudini ngày 22.11.1903, Đức Piô X nói ở số 3: Bài hát viết cho thánh đường càng giống bình ca trong cách chuyển hành thì càng thánh thiện.

b) Nhạc đi săn, xuất trận:
Do loại kèn chỉ thổi được 3 nốt nên người ta chỉ trải các nốt trong một hợp âm thành ra nghe nghèo nàn. Ví dụ:


16. Có được phép đánh trống Jazz trong nhà thờ không ?

Nếu đánh trống Jazz mà giúp người khác cầu nguyện được thì có thể đánh trống.
Nhưng trong thực tế và nhất là đối với tâm tình của người Việt Nam thì dàn trống Jazz thường gây kích động và làm cho người khác khó cầu nguyện.
Ngoài ra, cấm hát theo các điệu Jazz trong đàn organ điện tử vì các điệu đàn đều đều một cách máy móc không hợp với cách diễn tả của người hát để cầu nguyện.

17.   Xin cha cho biết lịch sử việc kiểm duyệt các bài hát trong Giáo Hội ?
- Qua sắc lệnh Piae sollicitudines năm 1657 cho giáo phận Rôma, Đức Alexandrô VII qui định đào thải những bất xứng và xúc phạm ra khỏi thánh nhạc : Thánh nhạc phải được châu phê. Các ca đoàn phải tuyên thệ giữ sắc lệnh này.
- Giáo luật khoản 830 buộc các GM phải bổ nhiệm các chức vụ kiểm duyệt
Từ thế kỷ 20, các văn kiện, khởi đầu là tự sắc Tra le sollicitudini của Đức Piô X mới nói rõ sự cần thiết phải thành lập bộ phận kiểm duyệt thánh nhạc.
Theo Thông Cáo số 3/94, I thì:
a) với các cung dành cho chủ tế và tá viên thì HĐGM phê chuẩn.
b) với các bài khác như NL, DL, HL, ĐC, bộ lễ... thì GM giáo phận phê chuẩn.

18.Tại sao bài Lo gì của Đức Dũng, không được dùng trong phụng vụ ?
Trong bài này, tác giả dùng nhiều liên ba nốt đen. Gặp liên ba kiểu này, ta phải hát thật đều 3 nốt đen trong 2 phách. Đó là điều rất khó thực hiện.
Trong thực tế, ta thường hát liên ba nốt đen thành kiểu:

Vì ta không hát đúng theo ý tác giả nên ta có cảm giác có cái gì đó giả tạo. Vì vẻ giả tạo đó nên ta mới đặt thành vấn đề. hát cho Chúa nghe thì phải thật; thật trong lòng và cách diễn tả bài hát cũng phải đúng, phải thật.

19. Ngắm 15 sự thương khó trong Mùa Chay : Khi rước một vị nào lên ngắm thì đội trống đánh đủ loại điệu như Habanera, Marche... Như vậy có được không ?
- Huấn thị về Thánh nhạc trong phụng vụ số 62 viết : Những nhạc khí nào, mà theo ý kiến chung
và cách sử dụng thông thường chỉ hợp với nhạc đời thì phải loại trừ ra khỏi mọi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện.
- Trong lịch công giáo 1996, trang 46, mục lời bảo về Mùa Chay viết : Trong Mùa Chay, không được chưng bông trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi, trừ Chúa Nhật thứ 4 và các ngày lễ trọng cùng lễ kính.
- Còn đánh trống trong khi rước xác là việc thường làm ngoài nhà thờ, thì có thể theo thói quen của xã hội.

20. Bài hát của Mùa Chay mà hát trong lễ cầu hồn và an táng có thích hợp không ?
Trong lời nói đầu sách lễ nghi An táng và thánh lễ Cầu hồn, trang 7, số 1 viết : Trong lễ an táng con cái mình, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm phục sinh với lòng tin tưởng, để những kẻ đã nhờ bí tích rửa tội, trở thành một thân thể với Chúa Kitô đã chết và sống lại, sẽ cùng với Ngài vượt qua sự chết mà đến sự sống, để linh hồn họ được thanh luyện và được rước về trời cùng với các thánh và các người Chúa chọn, trong khi thân xác họ hy vọng mong chờ hạnh phúc và sự sống lại.
Qua những lời trên đây và qua các bài đọc, các Thánh vịnh có ghi trong sách lễ nghi An táng và thánh lễ Cầu hồn, ta có thể tóm tắt những đề tài chính trong lễ nghi Cầu hồn như sau :
a) Hãy sẵn sàng vì Chúa đến bất ngờ :
- Mt 25, 1-13 : Hãy sẵn sàng như 5 cô khôn ngoan.
- Lc 12, 35-40 : hãy sẵn sàng vì Chúa đến bất ngờ.
b) Linh hồn luôn hướng về Chúa :
- Tv 24 : Hồn tôi vươn tới Chúa
- Tv 41 và 62 : Hồn tôi khao khát Chúa.
- Tv 129 : Linh hồn tôi mong đợi Chúa.
c) Chúa sẽ cho ta sống lại :
- Lc 7, 11-17 : Chúa cho người thanh niên sống lại
- Ga 11, 32-45 : Chúa cho Lazarô sống lại.
d) Đau khổ dẫn tới vinh quang :
- Mt 5, 1-12 : Bát phúc
- Lc 24, 13-16. 28-35 : Chúa Giêsu qua đau khổ tới vinh quang.
đ) Ta sẽ được ân thưởng trên thiên đàng :
- Lc 23, 33-39 : Hôm nay, ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.
- Ga 6, 37-40 : Ai tin Ta sẽ được sống đời đời.
- Ga 6, 51-59 : Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.
- Ga 14, 1-6 : Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở.
- Mt 25, 31-46 : Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc.

Trong Mùa Chay, các bài hát thường đề cập đến tâm tình sám hối, xin Chúa thứ tha tội lỗi, còn trong lễ Cầu hồn, Giáo Hội nói đến tinh thần sẵn sàng tỉnh thức để đạt tới niềm hy vọng sống lại. Do đó, hát bài Mùa Chay trong thánh lễ cầu hồn thì không thích hợp.

21. Mục đích của Thánh Nhạc là gì ?
Mục đích của Thánh Nhạc trước hết là để làm vinh danh Chúa, sau là để thánh hoá các tín hữu.
Muốn phân biệt nhạc đạo và nhạc đời, có lẽ cách thể hiện bài hát là điều quan trọng nhất. Chính tâm hồn đạo đức, chính lòng đạo chi phối cách thể hiện bài hát. Nói tóm lại, nếu muốn hát cho tốt các bài Thánh ca thì trước hết phải có tâm hồn đạo đức. Cùng một bài hát, có người đàn hát nghe rất nhà thờ, rất đạo đức. Trái lại, có người diễn tấu cùng bài hát đó mà nghe rất đời, rất thế gian. Người có lòng đạo đức thì cách diễn đạt sẽ đạo đức; người thiếu căn bản đạo đức sẽ diễn tấu thiếu chất đạo đức, thiếu nét Thánh ca. Đạo là gốc. Với tâm hồn đạo đức, điều ta hát hoặc đàn dễ nâng tâm hồn tín hữu lên cùng Chúa và nhờ đó, ơn Chúa giúp họ sống tốt trong cuộc sống hằng ngày.

22. Đâu là hai cuộc cách mạng về Thánh nhạc của công đồng Vatican II ?
- Một là cho Thánh nhạc đóng vai trò thừa tác. Nhạc không còn là thứ trang trí nhưng là thành phần của Phụng vụ. Ta có thể ví Thánh nhạc như một bè trong bài hát 4 bè, nghĩa là phải hát đủû 4 bè chứ không được phép giản lược một bè nào, vì hát như thế thì nghe rời rạc, không đầy.
- Hai là Công đồng Vatican II cổ võ việc hát cộng đồng, việc giáo dân góp tiếng hát trong các cử hành Phụng vụ.

23. Đâu là ý nghĩa của Thánh Nhạc trong Phụng vụ ? (Tóm ý một tác giả ngoại quốc)
a) Thánh nhạc diễn tả chiều kích loan báo Tin Mừng. Lời hát có nhiệm vụ huấn luyện đức tin nên lời phải đúng Thần học. Do đó, phải kiểm duyệt kẻo lời sai Thần Học. Những sáng tác của các ca trưởng không bảo đảm Tín Lý. Ví dụ những lời như sau đây của một tác giả xưa là không đúng Thần Học: Con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân. Con không thể đền thay tội lỗi của muôn dân, chỉ có Chúa Giêsu mà thôi.
b) Thánh nhạc diễn tả chiều kích tán tụng, ca ngợi: Phụng vụ là chóp đỉnh của hoạt động trong Giáo Hội. Cộng đoàn họp nhau để ca tụng Chúa. Do đó, đọc hoặc ngâm đã tốt, nhưng hát lại càng tốt hơn, long trọng hơn. Ví dụ hát Kinh Thánh Thánh, Kinh Tin Kính, Kinh lạy Cha...
c) Thánh nhạc làm nổi bật ý nghĩa ngày lễ:
- Khi nghe hát bài Trời cao thì ta biết là mình đang sống trong Mùa Vọng.
- Khi nghe hát bài Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con nguyện cầu thì ta hiểu ngay là ta đang sống trong Mùa Chay.
- Khi nghe hát bài Chúa nay Ngài đã phục sinh thì biết là ta đang sống trong mùa Phục sinh.

24. Đâu là ý nghĩa của phần Dâng lễ ?
- Ý chính của việc dâng lễ là dâng bánh rượu sẽ trở nên Mình Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn
con người. Nếu ta hát: Đây bánh thánh thì không đúng. Đáng lý ta chỉ hát Đây bánh miến mới đúng. Hoặc nếu ta hát: Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên Chúa thì cũng không đúng vì khi dâng lễ, ta chỉ dâng bánh rượu, không dâng Chiên Thiên Chúa.
- Ý phụ là dâng hy sinh, buồn vui cuộc đờ, ưu tư vát vã...

25. Ta hiểu thế nào về câu Thần khí Chúa đã sai tôi đi ?
Chúng ta nên hiểu là Chúa Cha xức bằng dầu Thánh Thần và sai đi, chứ không phải Chúa Thánh xức dầu rồi sai đi như ta thường hiểu. Ví dụ bài Thần Khí Chúa đã sai tôi đi. Có lẽ ta nên hát là: Nầy chính Chúa đã sai tôi đi. Hơn nữa, chữ THẦN KHÍ rất khó nghe vì trong kinh cũ, ta vẫn đọc là Xin cho khỏi Thần khí mất mùa giặc giã. Chữ Thần Khí thường hiểu theo nghĩa tiêu cực, không thể dùng để chỉ Đức Chúa Thánh Thần.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét