26. Ta hiểu thế nào về các từ Cha, Chúa ẩn mình...trong các bài hát Chầu Thánh Thể ?
- Những kiểu nói Chúa ngự, Chúa ẩn mình trong hình bánh...Người ta bàn cãi thật nhiều nhưng chưa có lối giải thích nào thoả đáng. Chúng ta nên hiểu là những kiểu nói trên đây muốn nói đến sự hiện diện của Chúa. Do đó, ta có thể chấp nhận được.
- Điều cần là không nên dùng chữ CHA hiểu như là Chúa Giêsu. Ví dụ: Hồi tưởng xưa kia, Cha đã hy sinh nằm thánh giá Nói như thế là không đúng. Ta nên sửa thế nầy: Hồi tưởng xưa kia, Chúa đã hy sinh nằm thánh giá.
27. Đâu là 3 yếu tố của thánh nhạc ?
- Một là yếu tố thánh thiện (nghĩa là bài hát phải thánh thiện, người hát, cách hát cũng phải thánh thiện, không pha điều trần tục)
- Hai là yếu tố nghệ thuật (nhạc lời vừa đúng, vừa hay, vừa có kỹ thuật)
- Ba là yếu tố phổ quát (được khắp nơi chấp nhận)
28. Thánh nhạc gồm những loại nào ?
a) Bình ca (loại nhạc khoan thai, trầm lắng, bằng bằng không cao quá cũng không thấp quá nhưng lại dễ tạo bầu khla cầu nguyện và đã có từ rất lâu trong Giáo Hội)
b) Đa âm hợp xướng (Ví dụ nhạc nhiều bè của Palestrina, Perosi, Praglia ...). Loại nầy đã có từ thế kỷ 9, nhưng nở rộ vào thế kỷ 15 và 16.
c) Thánh ca hiện đại (Thường là thánh ca đa âm, hợp xướng...)
d) Nhạc soạn cho đại quản cầm (đàn ống)
e) Ca khúc bình dân tôn giáo
29. Được phép hát trong nhà thờ và được phép hát trong Phụng vụ có khác nhau không ?
Hoàn toàn khác :
- Được phép hát trong Phụng vụ là được hát trong Thánh lễ, trong các cử hành bí tích...
- Được hát trong nhà thờ là được hát khi chầu phép lành, khi viếng Mình Thánh Chúa, khi suy tôn Lời Chúa ngoài Thánh lễ.
30. Sau câu Chúc anh chị em đi bình an, bài hát tiếp đó có còn nằm trong cử hành Phụng vụ nữa không ?
Sau câu chúc đó, Thánh lễ coi như đã kết thúc. Vậy, ta có thể hát những bài được phép hát trong nhà thờ.
31. Đối ca là gì ?
Đó là một ca khúc ngắn, hoàn chỉnh cả nhạc lẫn lời. Tuy nhiên, để đáp ứng với hoàn cảnh, ví dụ đoàn rước lâu giờ, thì người ta thêm vào các câu thánh vịnh để hát với đối ca. Đối ca bao giờ cũng hát lúc khởi đầu và kết thúc, còn các thánh vịnh sẽ xen vào giữa.
32. Bài ca tôn giáo là gì ?
- Bài ca tôn giáo thường là những bài hát phổ thơ công giáo (ví dụ phổ thơ Hàn mặc Tử, Xuân ly Băng...). Thi sĩ không có ý sáng tác thơ để dùng trong Phụng vụ nên nhạc sĩ cũng không thể sáng tác nhạc để hát trong Phụng vụ.
- Những bài ca tôn giáo nổi tiếng sau đây chỉ nên trình diễn ngoài nhà thờ : Trường ca Ave Maria, thơ Hàn mặc Tử, nhạc Hải Linh; Say Noel, thơ Xuân ly Băng, nhạc Lm. Kim Long...
33. Ta hiểu thế nào về tầm quan trọng của việc ca hát trong Phụng vụ ?
- Hát là cách biểu lộ niềm vui. Sách Công vụ tông đồ 2, 46 viết : Ngày ngày, họ đồng tâm nhất trí chuyên cần tới đền thờ, lòng hân hoan, dạ đơn thành trong lời ca khen Thiên Chúa.
- Hát nâng cao hiệu năng lời cầu nguyện. Lời thánh Augustinô đã trở thành câu ngạn ngữ : Hát hay là cầu nguyện 2 lần.
- Hát để tôn vinh Thiên Chúa. Trong Cl 3, 16 b, thánh Phaolô viết : Hãy dùng Thánh vịnh, lời ca, lời vãn mà ngợi khen Thiên Chúa hết lòng anh em.
34. Đâu là nhiệm vụ của ca đoàn ?
- QCTQ viết về ca đoàn : Giữa các tín hữu, ca đoàn có phần việc của họ trong Phụng vụ. Họ phải lo chu toàn các phần việc của họ, tùy theo các loại bài hát khác nhau. Họ lại phải giúp cho giáo dân tham dự cách linh động vào việc ca hát .
- Về nhiệm vụ của ca đoàn, Lm Duchesneau có cách ví von như sau :
¨ Ca đoàn hát trước cộng đoàn để giúp cộng đoàn hát đúng.
¨ Ca đoàn hát với cộng đoàn nghĩa là ca đoàn đôi khi hát thêm bè phụ để bài hát thêm khởi sắc.
¨ Ca đoàn hát giữa cộng đoàn nghĩa là đối đáp với cộng đoàn.
¨ Ca đoàn hát không cộng đoàn nghĩa là ca đoàn hát riêng, ví dụ như hát hợp ca.
35. Đâu là tư cách và đạo đức của ca viên ? (Bài nói chuyện của Lm. Trần hữu Thành, ĐCV Sao Biển, Nha Trang)
- Ca viên phải có nhân bản tức là biết cách ứng xử đúng tư cách con người.
- Ca viên phải nêu cao phẩm giá của người Kitô hữu là ánh sáng thế gian, là men trong bột và muối ướp trần gian.
- Ca viên phải nêu cao tinh thần phục vụ khi hát Thánh ca.
- Ca viên phải biết sống tinh thần cộng đoàn, tinh thần liên đới trong việc tập hát và hát Thánh ca.
- Ca viên phải có lòng mến Chúa, yêu thích sự cầu nguyện.
- Khi hát Thánh ca, ca viên cần tinh thần cầu nguyện: Hát vì Chúa và cho Chúa.
- Ca viên cần thông hiểu Hát là cầu nguyện và coi việc hát tập hoặc hát Thánh ca cũng là dịp cầu nguyện.
36. Ca viên cần được huấn luyện thêm những gì khác để công việc ca hát đạt hiệu quả hơn ?
- Ca viên hát Thánh ca cần được huấn luyện về Phụng vụ như Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 115 viết : Các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi phải được huấn luyện cho có căn bản Phụng vụ .
- Ca viên phải thông thạo về Giáo lý căn bản và về Thánh Kinh.
- Ca viên cần hiểu biết về kỹ thuật hát Thánh ca.
37. Ca đoàn ngồi ở vị trí nào trong nhà thờ là tốt nhất ?
Sau đây là đề nghị của Michel Veuthey trong báo Signes Musiques số 48, trang 18 :
- Ca đoàn ở tầng đàn thì không tốt vì ca đoàn tách biệt giáo dân và ca viên khó tham dự các cử hành Phụng vụ.
- Ca đoàn ở sau bàn thờ thì bất tiện vì chủ tế và người đọc sách quay lưng về ca đoàn. Hơn nữa, ca trưởng hoặc đứng xa ca đoàn hoặc đứng xa cộng đoàn nên khó điều khiển cả hai cùng một lúc.
- Ca đoàn ở hàng ghế đầu thì cũng chưa ổn vì ca đoàn quay lưng về cộng đoàn (tuy vị trí nầy thuận tiện cho ca trưởng khi phải điều khiển cả hai). Một điều chưa ổn nữa là khi ca đoàn đứng thì cộng đoàn lại ngồi, ví dụ lúc rước lễ.
- Ca đoàn ở bên cánh nữ nhà thờ (thẳng góc và gần bàn thờ) là vị trí tốt nhất :
¨ vì ca đoàn gần cộng đoàn nên dễ nâng đỡ lẫn nhau
¨ vì ca trưởng có thể điều khiển cả hai vì chỉ cần xoay người một chút là điều khiển được rồi.
38. Tại sao trong mùa Chay không được hát Alleluia ?
- Philippe Robert trong báo Signes Musiques viết : Không hát Alleluia trong mùa Chay là để phấn khởi mà thưởng thức lại trong mùa Phục sinh .
- Thánh Augustinô nói : Chúng ta không hát Alleluia trước lễ Phục sinh vì thời kỳ Chúa chịu nạn diễn tả thời đau buồn của cuộc sống đời nầy, còn ngày Chúa phục sinh diễn tả niềm hạnh phúc mà một ngày kia, chúng ta sẽ được chung hưởng .
39. Tại sao ta đứng khi hát Alleluia ?
- Philippe Robert trong báo Signes Musiques viết : Khi hát Alleluia thì mọi người đứng vì đó là tư thế của Đấng đã sống lại .
- Người Do Thái đứng khi cầu nguyện (Lc18, 9-14).
- Đứng là thái độ trang nghiêm, tôn kính
40. Đâu là ý nghĩa và cung điệu kinh Tưởng niệm (Đây là mầu nhiệm đức tin)?
- HĐGM Pháp viết : Kinh tưởng niệm kết thành chóp đỉnh việc tuyên xưng đức tin vì mỗi người nhận mình được cứu độ nhờ Đức Kitô .
- Kinh Tưởng niệm nhắc đến ba khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ : Sự chết, sự sống lại và sự kiện Đức Kitô lại đến.
- Theo HĐGM Pháp thì LM hát lời mời gọi, nhưng không cùng hát kinh Tưởng niệm với giáo dân vì chính Ngài, với tư cách là chủ tế, dâng kinh Tưởng niệm lên Đức Chúa Cha
- Cung điệu kinh Tưởng niệm phải trang nghiêm, thành kính, tránh những gì làm cộng đoàn lo ra.
41. Đâu là ý nghĩa và cung điệu của Vinh tụng ca (Chính nhờ Người..) ?
- QCTQ số 55 h viết :Vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ ơn : Đây là lời chúc tụng Thiên Chúa được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô .
- Cùng với Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, chúng ta tôn vinh Chúa Cha.
- Ta nên hát tiếng AMEN nhiều lần hơn, hoành tráng hơn. Do đó, yêu cầu các nhạc sĩ sáng tác tiếng Amen dài hơn, long trọng hơn.
42. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa luôn đi kèm với nghi thức bẻ bánh nên ta phải hát như thế nào ?
- Kinh nầy thuộc hình thức kinh cầu nên đọc hoặc hát bao nhiêu lần cũng được.
- Lạy Chiên Thiên Chúa là bài hát nghi thức vì đi kèm với nghi thức bẻ bánh của các Linh Mục.
- QCTQ số 56 d viết : Kinh nầy có thể được lặp đi lặp lại bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng kết thúc bằng câu Xin ban bình an cho chúng con .
- Theo tinh thần của HĐGM Pháp thì khi đang chúc bình an, ta không nên hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Chỉ sau khi đã chúc ban bình an và bắt đầu bẻ bánh thì mới hát.
- Trong lễ đồng tế có đông Linh Mục, ta nên hát nhiều lần cho đến khi các Linh Mục đã nhận Mình Thánh mới hát câu kết.
43. Đâu là ý nghĩa của ca Hiệp lễ và phải chọn bài hát Hiệp lễ theo tiêu chuẩn nào?
QCTQ số 56, 1b viết :Bài ca nầy có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách huynh đệ hơn .
44. Đâu là lợi ích của việc ca hát ? (Theo Nguyễn Duy)
a. Nhờ ca hát, niềm tin của chúng ta được kiên cường (x. St 50, 21).
b. Nhờ ca hát, Thiên Chúa đến hiện diện ngập tràn trong cuộc đời chúng ta (x. Tv 21,4; Tv 22,4).
c. Nhờ ca hát, Thiên Chúa làm cho ta được mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh. (x 2 Sb 20,21-23).
d. Nhờ ca hát, chúng ta được lớn lên trong ơn thánh của Chúa, (x. Rm 8,28; và: "Toute est grace") minh chứng niềm vui tâm hồn (Gc 5,13).
e. Nhờ ca hát, chúng ta cảm nghiệm được Chúa Giêsu là lẽ sống của mình. Vì Đức Ki tô Lời Ca Muôn Thuở là "nguồn sống của chúng ta" (Cl 3,4); khi ca hát Lời Chúa, chúng ta xác quyết: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức kitô sống trong tôi".
f. Nhờ ca hát phụng vụ, chúng ta chứng minh Thiên Chúa hiện diện và hành động trong một xã hội tục hóa. Những lời ca phát xuất từ Thánh Kinh và kinh nguyện phụng vụ sẽ giúp chúng ta vượt lên trên và thắng được các giá trị trần thế, làm cho người khác nhìn ra được tình yêu thương và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang tác động trên cuộc sống và các hoạt động của họ: "Tất cả mọi sự đều thuộc về Ngài, bởi Ngài và cho Ngài. Vinh quang thuộc về Ngài đến muôn đời. Amen." (Rm 11,33-36).
g. Ca hát để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
45. Giáo Hội nói gì về việc giáo dân tích cực tham dự cử hành Phụng vụ? (Theo Nguyễn Duy)
Các văn kiện Giáo Hội đã dùng nhiều cách nói để mô tả sự tham dự tích cực, tức linh động của giáo dân.
" Đức Piô X: "Ta hết sức ước mong ... các tín hữu tụ họp tham dự tích cực vào những mầu nhiệm thánh, vào kinh nguyện chung và trọng thể của Giáo Hội".
" Đức Piô XI chỉ dậy: "Để giáo dân tham dự vào việc phụng thờ Thiên Chúa cách linh động hơn, Ta truyền lấy lại điệu hát bình ca .... Phải làm sao để tín hữu tham dự các nghi lễ thánh không phải như những người ngoài cuộc, những khán giả câm nín, nhưng họ phải được đối đáp với các linh mục hay ca đoàn theo như luật định"
" Đức Piô XII năm 1947 trong Thông Điệp "Mediator Dei về Phụng vụ thánh" đã nói rõ đến "tham dự tích cực" của tín hữu.
" Thánh bộ nghi lễ ngày 3.9.1958 đã giải thích minh bạch của từ ngữ này, đề cập chi tiết hơn về sự tham dự của cộng đoàn.
" Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ nhiều lần nói đến những cách tham dự phụng vụ của tín hữu. Chúng ta ta có thể kể: tham dự tích cực tức linh động (số 11, 14, 19, 27, 30, 41, 48, 50, 79, 113, 114, 121, 124), tham dự ý thức (số 14, 28, 79) tham dự trọn vẹn (số 11), tham dự thành kính (số 48, 50), tham dự có kết quả (số 11), tham dự dễ dàng (số 79).
46. Trong Thánh nhạc, lời hay nhạc quan trọng hơn ?
" Trong Phụng Vụ thì "bản văn" chi phối "dòng nhạc", tức là "nhạc chỉ là phương tiện của lời ca". Và khi hát, thì ca đoàn phải hát cho "rõ" lời ca (bản văn).
" Có một thời kỳ, Giáo Hội đã định cấm hát nhạc đa âm (nhiều bè) trong phụng vụ, vì nhiều bài hát nhiều bè qúa (có bộ lễ 53 bè) nghe không rõ lời ca. (Theo Lm. Kim Long)
47. Bạn nghĩ gì về lời của những bài thánh ca đề cập đến công ơn cha mẹ?
¨ Lời đề cập quá nhiều đến công ơn cha mẹ : công sinh thành dưỡng dục, làm lụng vất vã, thức hôm thức khuya... Nội dung giống y các bài hát đời về công ơn cha mẹ. Nếu nội dung chỉ dừng ở đó thì không thể gọi là thánh ca, không thể hát trong nhà thờ.
¨ Vì là bài hát trong nhà thờ nên ta phải thêm cho nội dung có sắc thái đạo như ví dụ như :
- Tạ ơn Chúa đã ban cho có cha mẹ tốt lành, đạo đức
- Cầu nguyện cho cha mẹ, xin Chúa gìn giữ và ban phúc lành cho cha mẹ
- Cha mẹ thay quyền Chúa mà sinh dưỡng giáo dục
- Cha mẹ thông truyền đức tin, lòng đạo đức
- Cha mẹ dẫn con đến với Chúa và Đức Mẹ...
48. Cộng đồng Taizé và Thánh ca Taizé ? (Trả lời của Lm. Đỗ xuân Quế)
- Taizé là một làng ở bên Pháp gần tỉnh Mâcon, giữa Paris và Lyon. Tại làng nầy, có một tu viên nổi tiếng của anh em Tin Lành. Người sáng lập tu viên nầy là Mục sư Roger Schutz, người Thụy Sĩ. Tu viện được thành lập năm 1940. Chủ trương của tu viện là hòa giải và đại kết.
- Thánh ca Taizé là những bài hát ở Taizé hoặc do các tu sỉ tai đây sáng tác hoặc thu thập ở các nơi mang về làm thành một ca mục đa dạng, phong phú. Hát, cầu nguyện theo nhóm là thích hợp nhất. Như vậy là hát trong nhà thờ và ngoài khung cảnh Phụng vụ. Mục đích của những bài hát nầy là giúp người ta cầu nguyện tập thể.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét