Cha sở hắng giọng rồi kể:
- Không nhớ chính xác chuyện sau đây, nhưng tôi kể đại khái một đệ tử xin được nghe thầy mình, một Đạt Lai Lạt Ma hát. Ông nhận lời. Nhưng người học trò ngồi im lặng chờ nghe hoài mà không thấy thầy cất tiếng hát, nóng ruột hỏi:
- Sao thầy không hát?
Vị Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
- Ta đã hát từ nãy giờ, ngươi ngu quá nên không nghe đấy thôi!
Cha sở kể chuyện này để bắt đầu cuộc họp các ca đoàn sau khi ngài dàn xếp ổn thoả vụ xung đột rất ồn ào giữa ban Hành giáo và các ca đoàn chỉ vì một câu nói nhất thời nóng giận thốt ra từ cửa miệng của ông trùm.
*****
Chiều thứ bảy hôm đó ca đoàn Têrêxa thuộc giáo xứ TM vùng thôn quê nhưng giàu có và sung túc, tập hát được một lúc thì nghỉ giải lao, các ca viên chạy rần rần xuống cầu thang hẹp chẳng may va chạm nhằm ông trùm đang từ dưới đi lên để gặp ai đó, chắc bị đau nhiều lại suýt té, nên ông trùm giận quá mắng:
- Đồ bát nháo! Lũ bát nháo! Hát chẳng hay ho gì mà lúc nào cũng bát nháo!
Câu nói lập tức được truyền đi rất nhanh, đi đến đâu lại có “dặm mắm thêm muối”, có chú giải, có “chua” thêm, có ức đoán, có giả thiết… Không bao lâu, vụ việc bé xíu đã lôi kéo bên thì hết trọn năm ca đoàn, phía thì hết cả ban Hành giáo vào cuộc, chẳng bên nào nhượng bộ bên nào, cả giáo xứ đi đâu cũng nghe bàn tán huyên náo vụ việc với một vẻ vô cùng bức xúc. Khi cha sở cha phó hay biết thì chuyện đã đi quá xa, một bên đòi dẹp hết các ca đoàn, một bên thì tẩy chay ban Hành giáo,
Lẽ thường, những giáo xứ nào mang tiếng ù lỳ, bị các cha sở chê bai, thì những lúc xảy ra đụng chạm dù lớn cũng dễ giải quyết, còn những giáo xứ nào nhiệt huyết hăng say và hoạt động sầm uất, khi xảy chuyện, thì “bé xé ra to”, chuyện nhỏ dễ thành chuyện lớn, chính vì vậy mà giáo xứ này đã từng có vụ biểu tình trước của nhà xứ và một vụ đánh nhau đổ máu trước cổng nhà thờ, nhất là vụ bốn người đứng trước cửa nhà thờ đọc quyết định cải đạo.
Tội nghiệp cha sở, chạy tới chạy lui, hết bên này tới bên khác, biết rằng mỗi bên lỗi một chút, và biết rằng chỉ cần mỗi bên nhượng bộ một tý là xong, nhưng dễ gì mà thuyết phục!
Sau nhiều ngày tìm đủ mọi cách, nhờ đủ mọi người thương thuyết, kêu gọi lẫn cảnh cáo vân vân, không mang lại kết quả, một lễ sáng chúa nhật, mọi người đến nhà thờ bỗng thấy cha sở quỳ gối ở cửa ra vào, cạnh bên có chiếc bàn, trên bàn có để cây roi, gần đó có một anh thanh niên to con lực lưỡng đứng chờ.
Mọi người không ai đoán chuyện gì sắp xảy ra, người này hỏi người kia, xầm xì râm ran, mắt nhìn nhau dò xét.
Đợi khá đông người đến xong, cha sở đứng lên nói:
- Anh chị em thân mến, vụ việc vừa xảy ra trong giáo xứ ta ai cũng biết, và tôi đây mới là người có tội. Tội thứ nhất là không biết điều hành giáo xứ để xảy ra cớ sự. Tội thứ hai là không biết dàn xếp ổn thỏa làm ảnh hưởng đến tình hình chung. Tội thứ ba là không dạy và cũng không làm gương để thuyết phục được mọi người đường tu đức của Phúc âm yêu thương và tha thứ. Tội thứ bốn là tôi bất tài, chuyện có vậy mà không hoà giải được mọi người. Sau khi đã làm hết cách, tôi nghĩ. Vậy chiếu theo lẽ công bình, công được thưởng tội phải phạt, hôm nay tôi xin chịu phạt roi trước mặt anh chị em.
Có tiếng sụt sùi của mấy bà cuối nhà thờ, cả nhà thờ còn lại im lặng giây lát.
Cha sở bắt đầu nằm xuống đất, anh thanh niên mau lẹ cầm lấy roi, quật vào cha đang nằm úp. Bỗng một phụ nữ bước ra giật cây roi lại và la lớn:
- Có đánh thì đánh tôi đây!
Lập tức có nhiều người phụ nữ nữa chạy ra theo và cũng nói gần giống như thế.
Có một bà giật micro gần đó nói như quát:
- Cả giáo xứ chúng ta có lỗi chứ không phải cha!
Đến đây thì mọi người không còn bình tĩnh được nữa, chạy ùa ra đỡ cha xứ đứng dây, bẻ gãy cây roi, và đưa cha vào nhà thờ. Có tiếng trách móc, lẫn tiếng khuyên nhủ của nhiều người nên làm hoà với nhau… quang cảnh lúc đầu thật hỗn loạn, nhưng dần dần đâu vào đấy.
Khi đã bước lên cung thánh, chờ vãn hồi trật tự, cha sở nói:
- Mọi người thương không phạt roi, nay tôi xin lạy tạ mọi người ba lạy.
Cha quỳ xuống lạy ba lạy, chẳng ai kịp can ngăn.
Lạy xong cha cầm quyển Tin Mừng trên giảng đài gần đó nói:
- Chúa nói: “Vậy nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh em, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
- Tôi đã xin lỗi anh chị em và đã được anh chị em tha thứ. Nhưng tôi mong mọi người hãy tha thứ cho nhau để của lễ chúng ta sắp dâng trong thánh lễ được Chúa chấp nhận.
Một số đàn ông ra khỏi nhà thờ, cánh Ban Hành giáo cũng nhốn nháo họp bàn nơi dãy ghế. Một lúc sau, từ trên gác đàn chỗ ca đoàn đứng hát lễ một nhóm nam nữ kéo xuống, bước lên cung thánh đứng gần cha xứ, một người xin micro và nói lời xin lỗi ban Hành giáo.
Liền sau đó, ban Hành giáo cử một số người lên cũng xin mượn micro và nói lời xin lỗi. Tiếng vỗ tay vang rền và mọi người về chỗ để thánh lễ bắt đầu.
*****
Cha sở kể tiếp:
- Anh chị em biết câu chuyện tôi vừa kể muốn nói lên điều gì không?
Ngừng giây lát, cha xứ tiếp:
- Vị Đạt Lai Lạt Ma muốn nói hát hay phải hát bằng tâm hồn.
Chờ cho mọi người lắng đọng, cha xứ giải thích:
- Đúng vậy! Miệng lưỡi chỉ là cây đàn, cho nên thánh vịnh 102 và 103 kêu gọi “Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi!” hay “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thoả”. Cho nên chưa có thánh lễ nào tôi dâng với xúc động bằng thánh lễ hôm ấy, và cũng chưa bao giờ tôi thấy các anh chị hát hay bằng hôm ấy! Bởi hôm ấy anh chị hàt bằng tâm hồn, tâm hồn bác ái và thứ tha.
BẢO LỘC NGUYÊN (Nguyệt san Thánh nhạc ngày nay 2005)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét