Trong cuộc trao đổi với chúng tôi về kiến thức thánh nhạc, cha Kim Long, phó chủ tịch Uỷ ban thánh nhạc của Hội đồng giám mục Việt Nam cho biết:
Thánh nhạc trước hết và trên hết là lời cầu nguyện bởi vì thánh nhạc là thành phần của phụng vụ như Đức Piô thứ 10 trong tự sách của Ngài ban hành năm 1903 khi Ngài mới lên ngôi Giáo hoàng, thì Ngài đặt cho thánh nhạc phải chung một mục đích với phụng vụ vì thánh nhạc là thành phần của lễ tế, cho nên phải tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tín hữu.
Bởi vậy, nhạc tự nó không thể tôn vinh thiên chúa nếu không phải là phát xuất từ tâm hồn con người, cầu nguyện với Ngài, ca ngợi Ngài, chúc tụng Ngài. Và cũng không thể nào thánh hoá tín hữu nếu không giúp cho người tín hữu cầu nguyện để Thiên chúa ban ơn tác động trong tâm hồn, để nhờ đó, mà mỗi người thấy hồng ân của Thiên chúa tràn ngập trong tâm hồn mình. Vậy tôi xác định lại, quan điểm của tôi Thánh nhạc trên hết và trước hết phải là lời cầu nguyện của con người dâng lên Thiên chúa.
Vũ Hoàng: Thưa cha, cha có thể giải thích về giai điệu trong thánh nhạc được không ạ?
Cha Kim Long: Thánh nhạc bản tính của nó là một lời hát của cộng đoàn, cho nên giai điệu của nó phải đơn sơ, trầm lắng. Đơn sơ nghĩa là mọi người dễ dàng hát và cùng hát để ca tụng chúa và phải có tâm tình cầu nguyện làm thế nào vì trong thánh nhạc ở đây không phải người ta tìm thấy như Đức Piô 12 nói đến không phải tìm nghệ thuật, không phải là nghệ thuật vị nghệ thuật mà phải là nghệ thuật vị phụng vụ, mà mục đích chính của phụng vụ là Thiên chúa.
Cho nên thánh nhạc phải lôi kéo được người ta, dòng nhạc đó phải đơn sơ thế nào, để diễn tả được lời, chuyển tải được lời. Bởi thánh nhạc bản tính của nó là nhạc có lời, mà nhạc được thêm vào là vì lời, nhạc phải diễn tả đúng ý của lời, để lời đó thấm vào tâm hồn con người, từ đó con người mới cảm hoá được và nhờ đó con người dâng lên chúa những lời cầu nguyện tha thiết hơn.
Vũ Hoàng: Vâng, thưa cha, cha có nói đến thánh ca có lời và thánh ca không có lời, thì cha có thể giải thích rõ thêm được không ạ?
Cha Kim Long: Hệ thống nhạc cổ điển có rất nhiều bài giao hưởng hay tứ tấu, tam tấu…với nhạc cụ thì đó là nhạc không có lời. Sau này Bach viết những bài thánh ca để cho người ta độc tấu với đàn organ. Còn những bài hát dùng trong phụng vụ phải luôn luôn có lời, nghĩa là lời của phụng vụ được phổ nhạc để làm cho lời kinh của phụng vụ dễ thấm nhập vào tâm hồn con người hơn, nhờ đó mọi người đồng thanh. Ý tưởng trong sách lễ ký thì thế này: Khi người ta có tư tưởng đầy trong lòng, người ta muốn diễn tả thành lời, khi lời không diễn tả hết thì người ta ngân nga thành cung điệu, đó là hình thành của âm nhạc và khi cung điệu chưa diễn xuất được hết thì người ta phụ hoạ bằng những cử điệu của chân tay, đó là hình thành những vũ điệu. Tôi xin nhắc lại, lời trong phụng vụ ở thánh nhạc đó là điều quan trọng.
Tôi thí dụ rằng, năm 20 tuổi, cách đây 51 năm, tôi viết bài Kinh Hoà Bình, lúc đó vốn kiến thức nhạc của tôi chẳng là bao nhiêu, nhưng bài hát sống được 51 năm thì chính yếu là vì lời. Bao nhiêu người cảm động vì có những lúc chán chường, thất vọng hay hận thù thì người ta hát rằng: Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, thì những lời đó cảm hoá và tôi được nghe rất nhiều người bảo với tôi rằng nhờ những lời hát đó mà họ cảm thấy họ có một sứ mạng để đem hoà bình cho tâm hồn họ và tâm hồn cho những người xung quanh.
Vũ Hoàng: Dạ thưa, con xin được hỏi cha câu cuối ạ, cha có thể kể sơ qua về lịch sử hình thành thánh nhạc tại Việt Nam được không ạ?
Cha Kim Long: Thánh nhạc Việt Nam khởi sự từ những ca khúc ở thập kỷ 30 và 40 gồm những bài hát được đặt lời và những bài hát tiếng Pháp hoặc những ca điệu tiếng Latin, rồi dân Việt Nam phối lời, sốt sắng hát lên, rồi sau đó mới hình thành những ca đoàn là những người Việt Nam tự lập những ca đoàn để có thể tự viết những bài hát. Ở ngoài Bắc chúng tôi thấy có nhạc của Lê Bảo Tịnh và những tên tuổi còn sống mãi như Hùng Lân, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên, ở Bùi Chu có nhạc đoàn Sao Mai, những tên tuổi không ai không biết tới như Hải Linh, Ngô Duy Linh, Võ Thanh. Ở Phát Diệm có nhóm ca thánh của cha Hùng Sĩ, ở Hải Phòng có giám thiên cung với cha Chu Cung…Mỗi bài, mỗi nhóm đều cố gắng thể hiện những gì mà người ta ao ước làm nền thánh nhạc phong phú.
Mỗi thời nhạc thay đổi một chút theo phụng sự, trước đây những nhạc đoàn mới thành lập chủ yếu là dùng những bài để thể hiện tâm tình cá nhân. Nhưng sau này giáo hội thấy rằng tâm tình cá nhân là tốt nhưng làm sao để cho nhạc bổn đạo đi sâu vào cử hành phụng vụ, đi sâu vào viết học hỏi thánh kinh, thì những bài thánh nhạc đến thập niên 50, thì cha Vinh Hạnh, người ra những tập thơ thánh kinh để có những bài nhạc hoàn toàn trích ý từ thánh kinh, chính là lời của Chúa để hướng dẫn. Rồi với những nhạc sĩ trẻ sau này thì có khuynh hướng viết những bài có tính cách nhạc trẻ, người ta có đạo vào đời nhằm cho các sinh hoạt của cộng đoàn, người ta hát cho vui nhưng tư tưởng vẫn thấm nhuần đạo, do đó người ta gọi là đạo vào đời.
Vũ Hoàng: Vâng, con cám ơn cha rất nhiều đã dành thời gian trò chuyện ngày hôm nay, thưa cha.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét