1.1. Lý do sâu xa của việc ca hát là tình yêu hân hoan được biểu lộ ra bằng tiếng hát : Cộng đoàn Dân Chúa, ý thức được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với mình, cũng như sự hiệp thông huynh đệ với nhau, khi tụ họp lại trong niềm mong chờ Chúa đến, không thể nào không cảm thấy hân hoan vui mừng và muốn bộc lộ bằng những lời ca tiếng hát, lòng tri ân cảm mến đối với Thiên Chúa. “Cũng như Phụng Vụ Do-thái bao gồm việc công bố các kỳ công của Thiên Chúa và dâng lên người những lời tri ân cảm tạ, thì Phụng Vụ Ki-tô giáo, tự đấy, là lời ca ngợi tán dương Thiên Chúa. Ca hát sinh ra cùng lúc với Phụng vụ, như là yếu tố chuyển đạt Tin Mừng cứu độ, và lời ca ngợi của những con người đã được cứu độ” (Universa Laus 5/1).
Như vậy ca hát là việc đương nhiên trong Phụng Vụ Ki-tô giáo. Có thể nói, có lễ là có nhạc, có thánh lễ là có đàn hát. Chính niềm vui được yêu thương, được cứu độ thúc đẩy mọi tín hữu phải chia sẻ, phải loan báo, phải công bố, tung hô, ca hát … Nhưng niềm vui trào dâng thành ca hát này, trong Phụng vụ, lại có tính tập thể, nên cần được “cơ chế hoá” để đạt được một số mục tiêu, để làm trọn một số phận vụ nào đó.
1.2. Mục đích tổng quát : Ca hát là thành phần thiết yếu hoạc là thành phần trọng vẹn của Phụng vụ, nên ca hát cũng có chung một mục đích như Phụng vụ là “làm Vinh Danh Chúa và thánh hoá các Tín Hữu” (PV. 10,112. HTTN 67 số 4).
1.3. Phận vụ thừa tác (munus ministeriale) : âm nhạc trong Phụng vụ không đóng vai trò độc lập mà trái lại phải phục vụ cho Phụng vụ tức là tuỳ thuộc vào từng diễn tiến của hoạt động Phụng vụ để đáp ứng, làm sao hoàn thành được một trong ba yêu cầu do Hiến chế về Phụng vụ nêu ra nơi số 112 như sau :
“Thánh nhạc càng gắn liền với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu, (a) hoặc bằng cách cung ứng cho lời kinh nguyện một cách diễn tả thấm thía hơn ; (b) hay bằng cách giúp cho sự đồng tâm nhất trí thuận lợi hơn ; (c) hoặc bằng cách làm cho các nghi lễ thêm long trọng hơn”.
a. Âm nhạc có khả năng làm cho lời nói bình thường có sức diễn cảm hơn, dễ đi sâu vào lòng người, dễ đánh động con tim người nghe : nó không những có khả năng phô diễn nội dung tri thức của lời ca ; mà nhất là nó còn có khả năng tác động lên ý chí, lên con tim, lên tấm lòng, lên tình cảm của con người, và như vậy có sức cảm hoá lòng người, thức đẩy họ sống và hành động theo những cảm xúc do âm nhạc khơi dậy trong họ. Sự “thấm thía hơn” của ca hát là ở chỗ đó ; nó làm cho ta thích nghe hơn, nó làm cho lời kinh dễ diễn tả hơn đối với người đọc, và dễ “lọt tai” đối với người nghe. Thứ âm nhạc nào mà người hát không hát “ngon miệng”, người nghe không nghe được “lọt tai” do trẹo lời rối tiếng, thì thứ âm nhạc đó khó làm trọn vai trò thừa tác của mình trong Phụng vụ.
b. Khi cùng đọc chung một lời kinh, đã có một sự đồng thanh. Nhưng khi hát chung, thì lại có thêm sự cố gắng, sự ý thức, sự tự bỏ mình để dấn thân hơn vào tập thể : Hát đòi hỏi mỗi người phải từ bỏ cung giọng bình thường khi nói khi đọc, cung giọng riêng của cá nhân, để hoà nhập vào cung giọng chung của tập thể. Ca hát giúp chúng ta tham gia, hoà nhập vào cộng đoàn Dân Chúa. Dr Helmut HUCKE, thuộc viện nghiên cứu âm nhạc của đại học Francfort-sur-le-Main bên Tây Đức, cũng là phó giám đốc về Phụng vụ của tạp chí Concilium, đã nói như sau : “Sau việc rước lễ, ca hát chung là hình thức giúp mỗi ca nhân tham gia vào Phụng vụ một một cách sâu xa nhất …” (Le Chant liturgique après Vatican II, Paris 1966, trang 38-39). Âm nhạc giúp cho sự đồng tâm nhất trí thuận lợi hơn tức là cách thế giúp cộng đoàn tham gia sống động và tích cực vào Phụng vụ. Ca hát trong Phụng vụ phải càng ngày càng giúp cho Tín hữu tham gia nhiều hơn, bằng những lời đối đáp, tung hô, cả những bài hát với những ĐK vừa tầm của cộng đoàn, với sự nâng đỡ, hỗ trợ, bổ túc của ca đoàn và nhạc công.
c. Sự long trọng, trang trọng, đòi hỏi âm nhạc. Âm nhạc cần để diễn tả, biểu lộ tính cách lễ lạc của một số biến cố quan trọng trong đời sống của một gia đình, một tập thể, một quốc gia … Không phải chỉ thuần tuý tạo nên một “khung cảnh âm thanh” nào đó gây sự chú ý và tụ tập của những người tò mò, mà chính yếu muốn trang trọng bao nhiêu thì âm nhạc phải có chất lượng bấy nhiêu. Đòi hỏi tối thiểu là phải có một mức độ thành thạo nào đó trong ca hát cũng như tấu đàn (maitrise en matière de technique musicale), đó là chưa nói đến tính nghệ thuật trong diễn tấu. Muốn cho buổi lễ càng long trọng, thì ngoài vấn đề tổ chức trật tự … thì những người đàn cũng như người hát phải chuẩn bị chu đáo, từ khâu học tập, huấn luyện kỹ thuật, cho đến khâu tập dượt chung với nhau cho có nghệ thuật. Nếu không, âm nhạc sẽ không làm trọn phận vụ thừa tác của mình trong Phụng vụ.
Ba chức năng trên của âm nhạc không tách rời nhau, nhưng đồng bộ với nhau, nhưng có lúc chức năng này trổi hơn chức năng kia.
Thấy rõ được lý do mục đích và phận vụ của âm nhạc trong Phụng vụ, chúng ta sẽ dễ nắm bắt các vấn đề khác trong việc thể hiện.
hailinhquehuong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét