Đó là câu hỏi của chị bạn giáo viên cấp II cùng khối, cùng trường với tôi mỗi khi tan trường, thấy tôi tất tả chen lấn lấy xe chạy một mạch về nhà để cơm nước qua loa đi tập hát ở nhà thờ, chị ngứa mắt hỏi hoài. Có lần tôi la:
- Hỏi hoài không mỏi miệng hở bà?
Hoặc có lúc nổi cáu, tôi quát:
- Kệ người ta! Mắc mớ gì đến nhà ngươi!
La gì la, mắng gì mắng, người bạn ấy cứ khi thì hỏi, khi thì chọc ghẹo, khi thi tò mò, lúc trách móc… chưa kể nhiều lần trong lúc tán gẫu, chị tranh thủ “điều tra” bằng những câu hỏi đại loại: “Tại sao phải làm việc không lương ấy?”, “Lợi gì mà làm việc ấy?”, “Có được phúc gì khi đi hát như vậy không?” Kể cả những lần chị giương cặp mắt cú vọ ra soi tôi: “Giấu bồ nhí trong đó hả?”. Nói chung, trả lời hoài bắt mệt, vì chị không thể hiểu nổi tại sao tôi vô ca đoàn đi tập hát đều đặn tuần hai lần.
Tuy nhiên, khi vui thì thôi, khi có chuyện buồn xảy ra trong ca đoàn cho riêng tôi, đầu óc tôi cũng văng vẳng những câu hỏi ấy, chưa bao giờ tôi trả lời cho thoả đáng.
Có một lần tôi hỏi mẹ tôi đúng câu ấy, bà cười bảo:
- Có được giờ nào rảnh rỗi cứ thờ phượng Chúa chứ tính lợi với lộc mà làm gì hả con!
Cũng có lần nghe lén ba tôi nói với mẹ tôi rằng:
- Tôi cảm thấy vui vì nó siêng năng lui tới nhà thờ chứ không nhong nhong chỗ này chỗ nọ như mấy đứa con gái xóm trên.
Được cả nhà khuyến khích tôi cứ thế mà đi tập hát mỗi tối thứ tư và thứ sáu, chứ thật lòng cũng chẳng thấy lợi gì, nếu bảo đến đó vì vui thì cũng có, nhưng ít lắm, vì cả ngày ở trường có biết bao là bạn bè cùng với các em học sinh… sinh hoạt tập thể ở đó đến mệt nữa kia! Về tập hát với ca đoàn thì chẳng hơn gì! Nếu bảo đi tập hát vì lợi thì tuyệt đối không, nếu bảo vì bạn trai lại càng buồn cười, vì ca đoàn tôi nam ít hơn nữ, có 6 nam thôi mà chọi đến 15 nữ, đã vậy chú chàng nào cũng lấc ca lấc cất, mặt mũi non choẹt điểm thêm chút vô duyên, riêng anh ca trường coi được một tý thì đã bốn con, vô đó có mà chết chìm đáy… cốc!
Tóm lại, tôi chẳng biết sao mình cứ đi hát ca đoàn. Lý do tôi chưa tìm ra, nhưng có lẽ do thói quen được gia đình tạo ngay nếp gấp từ còn rất nhỏ.
Vài tuần một lần, bác Nghĩa phụ trách phụng vụ và thánh nhạc của giáo xứ ghé khi ca đoàn tập hát để uỷ lại hay huấn đức này nọ, chú nói hoài một điệp khúc:
- … các anh chị tốt lắm! Hào phóng lắm vì đã không karaoke, văn nghệ văn gừng, ghêm, nét… diếc, lại cứ mò đến đây mà tập tập hót hót… ân phúc này cao lắm, sẽ lưu lại cho cuộc sống mai sau hay cho gia đình bạn đời con cháu sau này, và hứa hẹn một phần thưởng về sau trên thiên đàng, vì Chúa nói những ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ thì Ta cũng sẽ xưng nó ra trước mặt Cha Ta mà chớ!... ối dào!...
Những lúc như vậy đám ca viên nam đợi cho chú vừa quay lưng đi là bông phèng ngay với anh ca trưởng:
- Anh Hùng ơi! Chuyện bây giờ của chúng mình mà chú ấy nói tới ngày sau mới tính !Còn chuyện của các chú ấy thì các chú ấy tính ngay. Xuống văn phòng Ban Hành giáo mà coi các chú ấy đang ngồi sòng nhậu tới khuya kia!
Cả đám cười nhao nhao. Tội nghiệp lúc đó anh ca trưởng nhăn nhó đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu “_oun” một phát rồi chẳng biết trả lời làm sao.
Nhưng bỗng một hôm câu hỏi đã được cha sở tình cờ giải đáp trong một câu chuyện :
-… Các con thấy sinh viên học sinh trong các “mùa hè xanh”, thanh niên tình nguyện, hay thanh niên xung phong đứng các chốt đèn xanh đèn đỏ không? Rồi cả những người ngoại quốc qua VN ta xây cầu, xây toilette cho người nghèo mình không? Tất cả chỉ vì muốn sống có ích cho mọi người.
Ý tưởng ấy nằm trong trí tôi tự hồi nào, bỗng một hôm, chị bạn hỏi “lợi gì đi hát ca đoàn”, tôi xổ ra lập tức mà không kịp suy nghĩ:
- Còn hơn cứ sống làng nhàng long nhong
Bốn mắt – chị bị cận nặng đến đeo kính dày cộm – chị giương ra hết để nhìn tôi một thoáng, rồi kêu lên:
- Trời đất! Thơ lục bát đàng hoàng đấy nghe! Ai dạy nhỏ vậy?
Tôi bảo:
- Cha sở!
Khi tôi đang kể chuyện này thì chị đã “túm” được một anh chàng ca viên thuộc ca đoàn giáo xứ bên cạnh rồi. Ôi cái sự đời!
( Nguyệt san Thánh nhạc ngày nay)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét