Chào mừng bạn đến với ca đoàn Cecilia Kẻ Sặt!

Tâm tình phục vụ người ca viên cần có

 I. Dẫn Nhập
Thưa quí anh chị, với mục đích cùng nhau nhìn lại và nhận ra những yếu tố cốt lỏi của người phục vụ xin được chia sẻ đến quí anh chị đề tài “Tâm tình phục vụ người ca viên cần có.”   
Thưa quí anh chị, mỗi đoàn thể trong GH đều có một ơn gọi riêng, hay cũng thường được gọi là căn tính của đoàn thể đó.  Xin ví dụ, đoàn Liên Minh Thánh Tâm thì chuyên về gia đình, Linh Thao thì chuyên về đời sống tâm linh cầu nguyện, các giáo lý viên thì chuyên về việc truyền đạt hạt giống Đức Tin cho các thế hệ tương lai v.v.  Nói tóm lại, đoàn thể nào cũng có căn tính riêng của mình.

II. Vậy căn tính của ca đoàn là gì? 

Xin thưa căn tính của ca đoàn bao gồm 2 mục đích sau đây: 

a)    Hát để chúc tụng ca khen vinh danh Chúa
b)   Hát để giúp giáo dân dâng lễ sốt sắng hơn  

Nói một cách đơn giản, mục đích của ca đoàn là hát, vâng! hát hay, hát một cách tâm tình, sốt sắng.  ( Xin được mở ngoặc ở đây, “hát hay” có nghĩa là hát đúng với thánh nhạc chứ không đòi hỏi người hát phải có giọng ca thật hay.)  Để hoàn thành nhiệm vụ của người ca viên xin mọi người lưu ý một yếu tố quan trọng sau đây:

Dành ưu tiên cho việc đi tập hát và hát lễ. 

Để có thể hát hay, hát tâm tình, hát sốt sắng điều quan trọng nhất là phải đi tập hát thường xuyên và đúng gìờ.  Thực ra, giờ tập hát của ca đoàn không nhiều nên khi vắng mặt hoặc đi trễ chúng ta sẽ thiếu sự chuẩn bị cần thiết và vì thế, lắm khi chúng ta lại vô tình làm cho bè của mình càng rối rắm thêm.  Thưa quí anh chị, trong cuộc sống tất bật ở xứ này, nhiều khi chúng ta không có đủ giờ để làm những việc cần làm.  Chúng ta thiếu gìờ với con cái, với người thân, với những công việc còn dang dở.  Vậy, mà phải dành trọn mỗi tối thứ Sáu và khoảng hai tiếng đồng hồ cố định mỗi ngày Chúa Nhật cho ca đoàn thì thật là khó khăn.  Điều này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và dành ưu tiên cho ca đoàn trên những công việc khác, dĩ nhiên là ngoại trừ vấn đề công ăn việc làm.  Tất cả chúng ta đều biết, không có ơn gọi nào lại không đòi hỏi sự hy sinh và cũng không có nhiệm vụ nào được hoàn thành mà không phải tốn công, tốn sức.  Thưa quí anh chị, những hy sinh đó, những cố gắng đó sẽ làm cho lời ca của chúng ta thêm tâm tình, sốt sắng và chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa.  Xin mời bước sang phần kế tiếp, làm thế nào để chu toàn ơn gọi của người ca viên.

III.  Chu toàn ơn gọi của người ca viên

Như đã nói ở trên, ca viên nên dành ưu tiên cho việc đi tập hát và hát lễ.  Vậy nếu một ca viên đi tập hát và hát lễ thường xuyên thì đã chu toàn bổn phận của mình hay chưa?  Xin thưa, xét về mặt kỹ thuật và nội qui thì anh/chị ấy đã chu toàn tốt bổn phận của mình.  Nhưng nếu xét về khía cạnh tông đồ thì chúng ta cần xem lại căn tính của ca đoàn để tìm ra câu trả lời.  

a)    Mục đích thứ nhất trong căn tính của ca đoàn là “hát để chúc tụng ca khen vinh danh Chúa.” Mỗi người xin hãy tự xét lại, rằng tôi hát để chúc tụng Chúa hay chỉ đơn giản là tôi thích hát? Trong TL lời ca của tôi luôn hướng về Chúa hay hướng về giáo dân, và mong được họ khen hay. Trước những ngày lễ lớn, tôi đã bỏ nhìều thời giờ để chọn áo này cà vạt nọ, folder này logo kia, cốt để làm tăng thêm vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng tôi đã thật sự bỏ ra đưọc mấy phút, để chuẩn bị tâm hồn, đón mừng Chúa?  Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thành thật, xét lại và tự trả lời các câu hỏi này.

b)   Mục đích thứ hai trong căn tính của ca đoàn là “hát để giúp giáo dân dâng lễ sốt sắng hơn.”  Không biết quí anh chị thì sao nhưng cá nhân tôi khi ngồi dưới tham dự TL, nghe ca đoàn hát hay tôi thấy lòng sốt sắng và rất dễ kết hợp với Chúa.  Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng đánh động tôi không kém đó là thái độ của người hát.  Nhìn sự sốt sắng, nghiêm trang, thánh thiện tự dưng tôi cảm thấy mình bị lôi cuốn qua cung cách của họ.  Họ không chỉ hát những lời ca tán tụng Chúa nhưng toàn thể con người họ đang toát lên những lời tung hô, lời tri ân, lời cảm tạ vì những hồng ân Chúa đã ban cho.  Lời ca trỗi lên rồi kết thúc sau TL nhưng người hát thì sau TL vẫn tiếp tục lên đường đi vào cuộc sống.  Như vậy người hát mới là lời ca bất tận, nối dài lời ca khen Chúa từ TL đến các môi trường xã hội.  Thưa quí anh chị, nếu chúng ta ca ngợi Chúa trong TL mà lại thiếu đi lời ngợi khen Chúa trong cuộc sống thường ngày.  Nếu giáo dân không nhìn thấy chúng ta ca khen Chúa qua lối sống của mình thì liệu chúng ta có thể giúp được gì cho họ trong các TL?  Nên nhớ, người ta cảm thấy sốt sắng chưa hẳn bởi vì lời ca nhưng bởi sự hân hoan vui mừng thể hiện mạnh mẽ trong lời ca của chúng ta.

Với những ý tưởng đơn sơ vừa rồi, hy vọng quí anh chị đã tìm ra câu trả lời, đã nhìn ra sự khác biệt giữa việc chu toàn bổn phận của người ca viên trên phương diện kỹ thuật và chu toàn ơn gọi theo cái nhìn tông đồ.  Thời gian sẽ giúp chúng ta vững chải hơn trên phương diện kỹ thuật nhưng chỉ có tình yêu và lòng biết ơn mới giúp ta chu toàn ơn gọi của mình.  Tôi, không phải là ca trưởng, nhưng tôi nghĩ, những kỷ thuật như hát to, hát nhỏ, phát âm, khép tiếng v.v đều nhằm giúp chúng ta diễn tả tâm tư của mình.  Tuy nhiên, những kỹ thuật đó cũng chẳng giúp gì nhiều nếu tâm hồn của chúng ta thiếu đi những trào dâng và tâm tư cũng chẳng có gì để diễn tả.  Xin mời quí anh chị cùng bước sang phần kế tiếp “Tinh Thần phục vụ đích thực”         

IV.  Tinh thần phục vụ đích thực

Thưa quí anh chị, nhìn lại gia đình của mình, vỏn vẹn có mấy người, thế mà cũng có lúc xung khắc, bất đồng ý kiến, không ai vừa lòng.  Phương chi ca đoàn là một tập thể đông hơn, đa dạng hơn nên chúng ta phải biết cách cư xử để mọi ngưòi luôn đoàn kết trong tinh thần hiệp nhất.  Dưới đây là bốn phương cách giúp chúng ta duy trì tình thân giữa anh chị em trong ca đoàn với nhau.  

a)  Khiêm nhường

Nhắc đến khiêm nhường, thì phải nói đến gương khiêm nhường của Chúa Giêsu.  Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu là Thầy là Chúa mà Ngài còn quì xuống rửa chân cho các môn đệ.  Quì xuống rửa chân, đối với ngưòi đời, là chấp nhận mình thấp hèn hơn người khác.  Một lần khác, Chúa Giêsu cũng đã dừng lại xin nước uống.  Việc Ngài xin nước từ một người phụ nữ ngoại đạo đã có bảy đời chồng cho chúng ta thấy: Chúng ta không chỉ biết ban phát, cho đi nhưng phải biết nhận lãnh, lắng nghe từ những người bé nhỏ/thấp hèn nhất trong chúng ta.  Thật vậy nhiều khi nhận khó hơn cho, lắng nghe khó hơn giảng dạy.  Chúng ta có khuynh hướng dễ đón nhận ý kiến từ những người có quyền chức nhưng không mấy quan tâm đến những người mà chúng ta cho là thấp cổ bé miệng. 

Khiêm nhường còn nhắc đến một ý nghĩa quan trọng nữa, đó là, đừng coi mình quan trọng hơn người khác.  Trong một tập thể dù mình đảm nhiệm vai trò gì, chức vụ nào đi nữa thì mình cũng chỉ là một thành viên của tập thể đó.  Trong một bản nhạc dù là nốt thấp hay nốt cao, nốt sáng hay nốt mờ, nốt nhạc cũng chỉ là một nốt nhạc.  Nốt nhạc đó cao là nhờ có những nốt thấp, nốt nhạc đó có sáng lên cũng nhờ có một nốt nào đó lu mờ đi.  Lạy chúa, xin cho chúng con biết khiêm nhường đón nhận những góp ý xây dựng của anh chị em.  Xin cho chúng con nhận ra chúng con đều quan trọng và đáng giá như nhau để nhờ đó chúng con cần đến nhau và nâng đỡ nhau nhiều hơn nữa trên con đường phục vụ.        

b.  Hãy chọn thánh ý Chúa hơn là việc của Chúa.

Thánh Geraldo Majella, đã nói “Tôi muốn điều Chúa muốn, vì Chúa muốn và giống như Chúa muốn.”  Tôi may mắn đã được tham dự tổ chức một vài buổi hội thảo và tôi cảm nghiệm đưọc điều này, xin chia sẻ đến quí anh chị.  Trong lúc tổ chức vì đặt quá nặng vào kết quả của công việc, nhiều lúc người ta không ngại làm mất lòng nhau miễn là để đạt được mục đích.  Sau khi xong việc nhiều người tìm nhau đễ xin lỗi viện lý do là vì quá lo cho việc Chúa.  Trong ca đoàn cũng vậy, vì muốn hát cho thật hay, thật tốt nên lỡ có ai đó vô sớm hay mời trật nhịp, hát to, hát nhỏ, hát cao, hát thé v.v đều rất dễ bị khiển trách hay ít ra cũng làm cho vài người cảm thấy khó chịu.  Thưa quí anh chị, chớ thì chẳng phải Chúa đã dạy, khi con dâng của lễ nếu chợt nhận ra mình đang có mối bất hòa với ai thì hãy để của lễ đó, đi làm hòa trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.  Nếu Chúa và cộng đồng không chấp những sai sót nhỏ nhặt của chúng ta, thế thì, tại sao mình lại quá khắt khe với nhau về những việc cỏn con đó ngay trong lúc dâng lễ?  Chắc chắn Chúa sẽ không vui vì những khắt khe chúng ta dành cho nhau.  Chắc chắn Chúa muốn chúng ta đối xử tốt với nhau, hơn là, làm tốt những công việc của Ngài.      

c.  Quan tâm đến những anh chị em ca viên khác

Nếu có anh chị nào đó vắng mặt không đi sinh hoạt vài tháng, khi trở lại thay vì có người nữa đùa nữa thật “Bữa giờ lặn sâu quá nghen?”  thì ta nên hỏi “Bữa giờ không thấy anh/chị đi hát, không biết gia đình hay việc làm có gặp trở ngại gì không?”  Tôi tin rằng anh/chị đó sẽ rất vui và biết ơn về sự quan tâm của chúng ta.  Tôi có dịp được nghe một chi tâm sự: Trong một phiên họp, khi được giao việc chị ta từ chối với lý do là chị vừa mới sinh và vì con mọn nên chị không thể nhận công việc đưọc giao.  Vô cùng thất vọng, mặc dù với lời giải thích rất rõ ràng nhưng những người giao việc chỉ nghe được có một phần là chị không nhận việc, còn phần gia đình chị, với con mọn, nheo nhóc thì chẳng ai đế ý đến.  Vâng, đối với ca đoàn, để có thể cất lên những lời ca yêu thương chúng ta cần phải có những hành động, những nghĩa cử yêu thương.  Chúng ta cần phải để ý, quan tâm, nhận ra những khó khăn anh chị em đang gặp phải như: mất việc, có con thơ, gia đình lục đục hoặc người thân đau yếu v.v. để thêm lời cầu nguyện, nâng đỡ, ủi an họ.  Nếu tất cả chúng ta đều làm được như vậy thì sau cơn hoạn nạn chắc chắn những anh chị em ấy sẽ gắn bó và sống chết hơn với ca đoàn vì họ cảm thấy đưọc yêu thương và được nâng đỡ.

d. Đừng quan trọng hóa các nhận xét của người khác về ca đoàn

Thỉnh thoảng chúng ta cũng được nghe một vài nhận xét về ca đoàn qua một vài người quen trong GX.  Được nghe những nhận xét/góp ý là điều tốt vì qua đó chúng ta được nhìn ca đoàn mình dưới một góc độ khác.  Xin lưu ý, dù nhìn ở dưới góc độ nào, chúng ta cũng cần phải biết, khả năng thực sự của chúng ta.  Có như vậy thì mới mong sàn lọc, rút tỉa và học hỏi được từ những góp ý của người khác.  Đừng buồn lòng khi nghe những chê bai hoặc những đòi hỏi thái quá không nằm trong khả năng của chúng ta.  Cũng đừng quá vui khi được tâng bốc, được nghe những lời khen quá êm tai. Nên nhớ chúng ta phục vụ, không phải, để đưọc khen ngợi.  Nếu có người góp ý về ca đoàn với mình thì sau khi nghe xong, hãy cảm ơn và ghi nhận ý kiến đó.  Đừng tỏ ra tán thành hay phản đối, đặc biệt là với những nhận xét chỉ nhắm vào một vài cá nhân.  Thưa quí anh chị, nói đến nhận xét thì mỗi người mỗi ý chúng ta không nên bị ảnh hưởng, bất đồng hoặc chia rẽ vì chúng.  Hãy dồn mọi nỗ lực vào hai mục đích chính trong ơn gọi của mình, những việc còn laị, nếu thời gian và khả năng cho phép sẽ cố gắng làm tốt hơn, nhưng đừng để những điều đó gây cản trở, tạo bất an hoặc làm dao động tinh thần phục vụ của chúng ta.                   

 V.  Kết luận

Thưa quí anh chị, để kết luận, ca đoàn là thừa tác viên trong các Thánh Lễ.  Nếu bài giảng của cha chủ tế mời gọi và giúp giáo dân hưóng về Chúa thì ca đoàn sẽ giúp giáo dân hướng tâm hồn về Chúa một cách sốt sắng hơn. Lời ca chúc tụng Chúa phải được xuất phát từ một trái tim biết ơn và lòng rung cảm vì sẽ không có một lời ca tâm tình nếu thiếu đi một trái tim tri ân.  Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đặt Chúa là trung tâm điểm và là cùng đích cho mọi hoạt động của chúng con.  Xin cho chúng con biết sống hoàn hảo câu Kinh Thánh dưới đây “Người phải lớn lên còn tôi phải lu mờ đi.” Lạy Mẹ Maria TV, thánh Bổn Mạng ca đoàn.  Xin Mẹ ban ơn, nâng đỡ, chở che.  Xin Mẹ giúp chúng con biết hết lòng dấn thân phục vụ Chúa và GH với thời gian và khả năng hạn hẹp mà chúng con có.  Xin Me chúc phúc cho ca đoàn, cho gia đình mỗi chúng con và đặc biệt là cho những người vợ/người chồng/người thân đã âm thầm hy sinh làm việc nhà để chúng con có thời gian đến sinh hoạt với ca đoàn. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét